TIỀM NĂNG, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP KHƠI THÔNG, PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG XANH Ở VIỆT NAM
1. Khái quát chung
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu và là giải pháp để các quốc gia vượt qua các thách thức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế, bùng nổ dân số, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu trong trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong bối cảnh các quốc gia đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, mô hình tăng trưởng xanh, bền vững là mô hình được các quốc gia hướng đến.
Là một trong những quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động đến đời sống, sinh kế của người dân, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ tạo ra tiềm năng to lớn để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và giảm đói nghèo. Chính vì thế, tại Đại hội Đảng lần thứ 13 của Đảng, vấn đề “thể chế phát triển bền vững” lần đầu tiên đã được đặt ra làm cơ sở, định hướng để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững cho đất nước. Với định hướng đó, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính[1], giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thông qua nhiều Nghị quyết, Kết luận, hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường, ban hành các Đề án, Chiến lược, Kế hoạch hành động phát triển bền vững[2],…
Về phía ngành ngân hàng, với chức năng là một trong những kênh dẫn vốn của nền kinh tế, với tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam luôn dao động ở mức cao[3], hoạt động tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế và giải quyết một số vấn đề an sinh xã hội. Vì vậy, việc triển khai các giải pháp từ ngành ngân hàng sẽ góp phần định hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của quốc gia.
2. Các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy tín dụng xanh, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh
Trong thời gian qua, trên cơ sở bám sát mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, NHNN đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tín dụng cho các ngành sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế… qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đồng thời, trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, NHNN cũng đã chủ động lồng ghép, xây dựng các Đề án, Chương trình tín dụng góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Thứ nhất, bổ sung, hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xang và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh
– NHNN đã xây dựng định hướng phát triển ngân hàng xanh thông qua việc ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, trong đó xác định mục tiêu: Tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng; Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay.
– Bổ sung, lồng ghép định hướng phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh vào các định hướng hoạt động, phát triển của ngành ngân hàng:
(i) Lồng ghép và nội dung của Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xây dựng mục tiêu cụ thể: Tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon. Lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng;
(ii) Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025” theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủquy định nhiệm vụ, giải pháp về tín dụng xanh, ngân hàng xanh nhằm thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon: Nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các TCTD thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ 4.0 để xanh hóa hoạt động ngân hàng.
– Ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 của Thống đốc NHNN. Kế hoạch đã đặt ra 07 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: (i) Hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; (ii) Hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh; (iii) Đẩy mạnh chuyển đổi số; (iv) Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực đối với yêu cầu chuyển đổi xanh; (v) Công tác thông tin, truyền thông về hoạt động của ngành ngân hàng góp phần thực hiện tăng trưởng xanh; (vi) Nghiên cứu, thành lập diễn đàn chung về tài chính xanh của ngành ngân hàng; (vii) Đẩy mạnh thực hiện mua sắm xanh trong hoạt động mua sắm công.
– Ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động tín dụng xanh gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải các-bon, hướng tới tăng trưởng xanh:
+ Ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, trong đó NHNN đặt ra mục tiêu ngay từ năm 2015, hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; góp phần cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững. Theo đó, Thống đốc NHNN giao nhiệm vụ ngành ngân hàng cần thực hiện rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; Lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường vào quy định hiện hành[4] về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, quy định về nguyên tắc hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng phải phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường; Tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi xanh; Yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng thông qua việc chủ động nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
+ Hướng dẫn TCTD xác định, thống kê và báo cáo kết quả đầu tư tín dụng đối với các dự án, phương án xanh, bảo vệ môi trường, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu của 12 ngành/lĩnh vực xanh[5].
+ Ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm triển khai nhiệm vụ được giao tại Luật Bảo vệ môi trường (2020), thể hiện trách nhiệm của ngành ngân hàng thực hiện công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, tăng cường khả năng quản trị rủi ro của tổ chức tín dụng trước rủi ro về môi trường của các dự án đầu tư thuộc nhóm có tác động xấu tới môi trường, nâng cao chất lượng tín dụng, an toàn và hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng; tiệm cận dần với thông lệ quốc tế. Thông tư yêu cầu TCTD phải xây dựng quy định nội bộ để quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng độc lập hoặc lồng ghép trong quy định nội bộ về cấp tín dụng và quy định nội bộ về kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, phù hợp với các quy định của pháp luật về hoạt động cấp tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng.
Thứ hai, triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các TCTD đa dạng sản phẩm ngân hàng – tín dụng xanh, góp phần thực hiện tăng trưởng xanh
NHNN khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư cho các ngành/lĩnh vực xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu:
– Trong lĩnh vực nông nghiệp xanh: Trình cấp có thẩm quyền ban hành/ban hành theo thẩm quyền các chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất[6], hỗ trợ lãi suất[7], ưu đãi tài sản bảo đảm[8] đối với khách hàng thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch như: Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 55/1015/NĐ-CP, Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay tái canh cây cà phê tại Khu vực Tây nguyên,…
– Trong lĩnh vực lâm nghiệp: Triển khai các chương trình cho vay trồng rừng sản xuất như Chương trình cho vay trồng rừng sản xuất và phát triển chăn nuôi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ; Dự án phát triển ngành Lâm nghiệp được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội .
– Trong lĩnh vực môi trường, giảm nghèo: Triển khai các chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở phòng tránh biến đổi khí hậu như: Chương trình cho vay xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt ở miền Trung, làm nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long; các chương trình tín dụng góp phần giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính và giảm ô nhiễm môi trường như chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Thứ ba, NHNN thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện tín dụng – ngân hàng xanh
NHNN đã tổ chức đào tạo, tăng cường năng lực cho các TCTD và cá nhân tham gia xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, chương trình, sản phẩm ngân hàng – tín dụng xanh, tham gia các diễn đàn quốc tế về tài chính bền vững nhằm học hỏi kinh nghiệm quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh và thúc đẩy tài chính xanh thông qua sáng kiến Fintech và Ngân hàng số phục vụ cho phát triển tài chính toàn diện và bền vững. Đồng thời, NHNN đã tích cực đảm phán nhằm huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế, tài trợ song phương và đa phương nhằm nâng cao năng lực tài chính để các TCTD có nguồn lực tài trợ tín dụng cho khách hàng thực hiện các dự án xanh như: Dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam; Dự án nhân rộng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam; Dự án tài trợ DNNVV thực hiện dự án xanh; Các dự án hỗ trợ kỹ thuật Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam, giai đoạn II, Hỗ trợ kỹ thuật về Quỹ Quy hoạch Đầu tư phát triển và xây dựng ngành năng lượng Đông Nam Á, Dự án hỗ trợ kỹ thuật về sáng kiến và đổi mới tài chính xanh để phát triển cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á,…
3. Kết quả hoạt động tín dụng xanh:
3.1. Kết quả đạt được:
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, thời gian qua, nhận thức của hệ thống ngân hàng đã có sự chuyển biến rõ rệt, các TCTD đã tích cực tham gia cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn, về dịch vụ ngân hàng cho mục tiêu chuyển đổi xanh của người dân, doanh nghiệp.
Kết quả báo cáo thống kê của các TCTD về cấp tín dụng cho các lĩnh vực xanh là một cơ sở quan trọng để NHNN đánh giá được sự hiệu quả của các chính sách, giải pháp trong chính sách tín dụng góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Trong 7 năm qua (2017-2023), dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/12/2023, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%). Nhiều TCTD đã xây dựng các gói tín dụng xanh, chương trình tín dụng xanh[9] phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh.
Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đến 31/12/2023, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 2,84 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng hơn 20% so với cuối năm 2022.
3.2. Khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn chính như:
– Danh mục phân loại xanh là căn cứ để NHNN đánh giá được hiệu quả của các chính sách, giải pháp trong chính sách tín dụng góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, là cơ sở quan trọng để các TCTD xác định định mức, quy mô đầu tư, xây dựng và triển khai các chính sách, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp. Mặc dù NHNN là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN xây dựng được một hướng dẫn thống kê về tín dụng theo phân loại xanh, tuy nhiên hướng dẫn về 12 ngành xanh do NHNN ban hành từ năm 2017, chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia và chưa có sự thống nhất về việc phân loại lĩnh vực xanh của các Bộ, ngành khác, chưa đảm bảo xác định, thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh của ngành ngân hàng cho nền kinh tế nên tỷ trọng tín dụng xanh mới chiếm 4,5% dư nợ nền kinh tế. Do vậy, cần có quy định chung về Danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Từ đó, các TCTD có cơ sở để đánh giá cụ thể đối với từng khách hàng, doanh nghiệp trong quá trình thẩm định cho vay; tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh.
– Nhu cầu vốn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 rất lớn[10], trong khi các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ thị trường tài chính, thị trường tín chỉ các-bon còn chưa phát triển hoặc chưa triển khai gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng.
– Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn, các TCTD khó khăn trong việc cân đối vốn và đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an toàn, đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định
– Việc thúc đẩy tín dụng xanh, tăng cường quản lý rủi ro môi trường và xã hội sẽ khiến các TCTD phát sinh chi phí phải đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp mục tiêu tăng trưởng xanh, năng lực chuyên môn cán bộ ngân hàng về tài trợ dự án xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững cần cải thiện.
– Hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn đến bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường, ảnh hưởng hoặc thậm chí làm gián đoạn tiến độ triển khai dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các TCTD.
4. Đề xuất, kiến nghị
Để các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả nhằm mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh, bên cạnh những nỗ lực của ngành ngân hàng để hướng dòng vốn tín dụng tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, việc mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh đòi hỏi sự phối, kết hợp từ nhiều phía. Do vậy, NHNN kiến nghị:
– Các Bộ, Ngành rà soát, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý để: (i) Có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; Nghiên cứu có hướng dẫn chung về ESG giúp các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện chuyển đổi xanh (ii) Xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh; (iii) Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.
– Đối với các TCTD xác định hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh là xu thế, yêu cầu để hướng đến phát triển bền vững, từ đó lồng ghép phát triển xanh trong định hướng, xây dựng chiến lược kế hoạch kinh doanh của TCTD; đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về môi trường, nghiên cứu phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu cấp tín dụng xanh, huy động tài chính xanh; Đa dạng hóa các nguồn vốn tài trợ cho các dự án xanh, đặc biệt phát hành trái phiếu xanh thông qua thị trường vốn trong nước.
– Cộng đồng doanh nghiệp bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả phù hợp với thực tế cần tích cực thể hiện vai trò trách nhiệm với môi trường và xã hội làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay như: áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính; khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, Hydrogen; Chú trọng công tác nghiên cứu, đầu tư triển khai thực hiện và phát triển các dự án xanh, sản phẩm xanh thân thiện với môi trường…
Về phía NHNN, trên cơ sở bám sát các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các Đề án, Chiến lược, Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, thời gian tới, NHNN tiếp tục thực thi các chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, cụ thể:
– Tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn hoạt động tín dụng xanh sau khi Danh mục phân loại xanh quốc gia được ban hành; hướng dẫn các TCTD quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng để đáp ứng các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường (2020), góp phần hạn chế rủi ro tín dụng.
– Đẩy mạnh đàm phán, tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế và các TCTD trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh, có lợi ích về môi trường xã hội, từ đó tăng cường huy động nguồn lực, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
[1] Năm 2015, Việt Nam cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc. Năm 2016, Việt Nam cùng hơn 170 nước ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hâu. Và gần đây nhất, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng của Việt Nam về “0” vào giữa thế kỷ – năm 2050.
[2] Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
– Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
– Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
– Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật.
– Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021);
– Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022);
– Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022);
– Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 (Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022)…
[3] Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam dao động ở mức 124%.
[4] Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
[5]Công văn số 9050/NHNN-TD ngày 3/11/2017 về việc báo cáo tình hình cấp tín dụng đối với các lĩnh vực xanh: Nông nghiệp xanh; lâm nghiệp xanh; công nghiệp xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên; xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm; bảo vệ môi trường thiên nhiên, khôi phục sinh thái và phòng chống thiên tai; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn; công trình xây dựng xanh; giao thông bền vững; cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và các lĩnh vực xanh khác (ngoài 11 ngành trên, thuộc các lĩnh vực xanh khác theo đánh giá của TCTD). Hướng dẫn thống kê các lĩnh vực xanh được xây dựng theo các ngành/lĩnh vực xanh với các tiêu chí phân ngành nhỏ cụ thể, gắn với mục đích bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của ngành, tham chiếu đến các quy định về quy hoạch tổng thể phát triển ngành, quy định của các cơ quan quản lý chuyên ngành về công nghệ quy trình sản xuất an toàn, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, tái sử dụng, xử lý chất thải,…. liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. NHNN cũng hướng dẫn một số loại dự án cụ thể tham khảo tương ứng với mỗi phân ngành nhỏ để tạo điều kiện cho các TCTD trong quá trình thống kê, báo cáo hoạt động tín dụng xanh.
[6] Được áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện nay là 4,5%/năm, thấp hơn lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường khác)
[7] NSNN hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn trong 2 năm đầu, 50% lãi suất vay vốn trong năm thứ 3 đối với khách hàng vay vốn đầu tư máy móc thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
[8] Khách hàng thực hiện dự án liên kết, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được TCTD xem xét cho vay không có TSBĐ từ 70-80% giá trị phương án sản xuất kinh doanh.
[9] VPBank, BIDV đã xây dựng và ban hành Khung Tín dụng Xanh nhằm đưa ra quy trình sử dụng và quản lý nguồn vốn vay xanh để cho vay các dự án đáp ứng tiêu chí xanh, công bố chương trình Tín dụng xanh dành cho các khách hàng thỏa mãn các tiêu chí xanh có nhu cầu vay vốn với mục đích đầu tư cho các kế hoạch, dự án thân thiện với môi trường, chuyển dịch xanh theo hướng phát triển bền vững. ACB triển khai gói tín dụng xanh/xã hội cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh có lợi cho môi trường và xã hội trong một số lĩnh vực.
[10] Bộ KH&ĐT dự tính khoảng 872 tỷ USD với các giả định cụ thể đối với các thông số lớn của nền kinh tế đến năm 2050.
Tác giả :
Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước