THAM LUẬN NHỮNG SÁNG KIẾN MÔI TRƯỜNG – XÃ HỘI – QUẢN TRỊ TẠI AGRIBANK
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
TÓM TẮT: Việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong tổ chức hoạt động kinh doanh đang là xu hướng bao trùm toàn thế giới, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có Việt Nam. Chính phủ và các Bộ, ngành, NHNN đã và đang hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm phát triển tạo điều kiện cho mỗi doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG), phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã và đang tích cực thực hiện chủ trương, chính sách về thúc đẩy ngân hàng xanh, có nhiều sáng kiến, cam kết áp dụng tiêu chuẩn ESG và tích hợp vào chiến lược kinh doanh của Agribank, thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần xanh hóa hoạt động ngân hàng, bảo vệ môi trường, hỗ trợ cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai ESG tại Agribank còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cần có giải pháp khả thi, bước đi phù hợp và đặc biệt sự quan tâm, hỗ trợ, của Chính phủ và các bộ, ngành nhằm triển khai ESG thành công.
I. TỔNG QUAN VỀ ESG VÀ SỰ CẦN THIẾT TÍCH HỢP TIÊU CHUẨN ESG TRONG CHIẾN LƯỢC KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM
1. Tổng quan về ESG
* Tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị
Bộ tiêu chuẩn ESG là một tập hợp các tiêu chuẩn định tính và định lượng đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của một tổ chức và giúp xây dựng nền tài chính bền vững dựa trên 3 khía cạnh:
a) Môi trường (Environmental): Khía cạnh môi trường xem xét tác động đến môi trường tự nhiên từ hoạt động của tổ chức, bao gồm các vấn đề về (i) Khí hậu: phát thải carbon, tính bền vững của các tài sản vật chất, biến đổi khí hậu (bao gồm các chính sách giảm thiểu biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu); (ii) Ô nhiễm: không khí, nước, đất và ô nhiễm khác; (iii) Chất thải: bao bì, điện tử, nước thải và chất thải khác; (iv) Sử dụng tài nguyên: đa dạng sinh học, phá rừng, quản lý năng lượng, những vật liệu nguy hiểm, xói mòn đất, cạn kiệt tài nguyên, quản lý chất thải, sự khan hiếm nước…
b) Xã hội (Social): Khía cạnh xã hội đề cập đến cách thức tổ chức quản lý các mối quan hệ và tạo ra giá trị cho các bên liên quan, bao gồm các vấn đề về (i) Người lao động: nhu cầu cơ bản và phúc lợi, cơ hội đa dạng và bình đẳng, thu hút và giữ chân nhân viên, quản lý vốn con người, quan hệ lao động – quản lý, quyền con người, bình đẳng giới, đào tạo và giáo dục, tiêu chuẩn lao động; (ii) Khách hàng: sự hài lòng của khách hàng, bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, an toàn và chất lượng sản phẩm; (iii) Mô hình kinh doanh: quản lý chuỗi cung ứng, vận hành bền vững, đầu tư vào cộng đồng…
c) Quản trị (Governance): Khía cạnh quản trị xem xét đến năng lực và chất lượng quản trị của tổ chức, bao gồm các vấn đề về (i) Thông lệ kinh doanh: đạo đức kinh doanh, hành vi cạnh tranh, văn hóa doanh nghiệp; (ii) Minh bạch và công bố thông tin: thuế, chuẩn mực kế toán và kiểm toán nội bộ, hối lộ và tham nhũng; (iii) Năng lực lãnh đạo: sự độc lập giữa quản trị và điều hành, chế độ lương thưởng, quản trị rủi ro.
ESG cung cấp một khuôn khổ chung để xem xét tác động và sự phụ thuộc của tổ chức đối với môi trường và xã hội, cũng như chất lượng quản trị của chính tổ chức. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bộ tiêu chuẩn ESG thống nhất được tất cả các tổ chức trên thế giới công nhận. Do đó, các tổ chức tự xây dựng bộ tiêu chuẩn ESG phù hợp dựa trên cơ sở các thông lệ quốc tế, quy định pháp luật hoặc sử dụng các bộ tiêu chuẩn ESG phổ biến và được công nhận rộng rãi trên thế giới.
Tại Việt Nam, Chính phủ, các bộ ngành và NHNN đã và đang dần hoàn thiện văn bản pháp luật góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, quản trị rủi ro môi trường như: Luật số 72/2020/QH14 về Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020, Luật số 60/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17/6/2020; Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn; Quyết định 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính; Thông tư 01/2022/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (BTNMT) hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu; Thông tư 17/2022/TT-BTNMT của Bộ trưởng BTNMT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 của NHNN về thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 của Thống đốc NHNN về ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có hệ thống khuôn khổ pháp luật quản lý về xã hội, quản trị như vấn đề lao động và điều kiện làm việc; vấn đề giới trong việc theo đuổi tăng trưởng kinh tế bền vững; vấn đề sức khỏe và an toàn của cộng đồng; an toàn sức khỏe nghề nghiệp; bảo vệ lực lượng lao động; chính sách và quy trình quản lý nguồn nhân lực, công bố thông tin; đạo đức kinh doanh; kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro; phòng, chống hối lộ và tham nhũng như: Bộ Luật lao động, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Cạnh tranh, Luật Các tổ chức tín dụng và nhiều văn bản pháp luật có liên quan khác.
Nhìn chung, hành lang pháp lý để triển khai ESG tại Việt Nam nói chung và trong hệ thống ngân hàng nói riêng đang từng bước được hoàn thiện nhưng chưa đầy đủ và đồng bộ.
2. Sự cần thiết tích hợp tiêu chuẩn ESG trong chiến lược kinh doanh.
Việc tích hợp tiêu chuẩn ESG trong chiến lược kinh doanh là xu hướng của các NHTM trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, rất cần thiết thể hiện ở một số điểm sau:
– Quản trị danh tiếng của ngân hàng: Ngân hàng có những hoạt động hướng tới ESG có thể xây dựng danh tiếng tốt đối với Chính phủ, cơ quan quản lý, khách hàng, đối tác, người lao động và cộng đồng, từ đó tăng trưởng doanh số, quy mô hoạt động và phát triển theo hướng bền vững. Ngày càng có nhiều tổ chức độc lập đánh giá và báo cáo về việc thực hiện ESG của các công ty, ngân hàng. Những nhà đầu tư, công ty quản lý quỹ và những bên quan tâm khác thường tham khảo những báo cáo độc lập này để so sánh các công ty, đánh giá rủi ro và đưa ra các quyết định đầu tư. Phương pháp, tiêu chí đánh giá, chấm điểm và báo cáo của các tổ chức thực hiện đánh giá là độc lập và khác nhau (Moody’s, Fitch Rating, S&P, Bloomberg, Corporate Knights Global 100, Chỉ số Bền vững DowJones (DJSI), Đánh giá rủi ro ESG của Sustainalytics…).Áp dụng quy trình quản lý ESG góp phần nâng cao danh tiếng, định vị thương hiệu, tăng lợi thế cạnh tranh của ngân hàng.
– Nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh: Phát triển bền vững thông qua ESG là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam. Việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm tài chính ngân hàng hiện đại, phù hợp với sự vận động trong tương lai của nền kinh tế như tín dụng xanh và trái phiếu xanh, các sản phẩm cho vay sản xuất kinh doanh bền vững, tham gia vào thị trường carbon…đưa ngân hàng vào thế chủ động đón đầu xu hướng mới và tạo ra các sản phẩm tiên phong mang tính cạnh tranh cao.
– Nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro: Việc nhận diện các nhân tố rủi ro ESG phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro và sự quan tâm của từng TCTD. Các yếu tố ESG mà TCTD nhận diện có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực một cách trực tiếp/gián tiếp đến hệ thống tài chính ngân hàng. Mức độ liên quan và tác động của các nhân tố ESG này đến TCTD cũng phụ thuộc vào mô hình, loại hình kinh doanh và các khoản nợ phải trả. Các rủi ro từ các yếu tố ESG này có thể xuất phát từ hiện tại hoặc trong tương lai, làm ảnh hưởng tiêu cực đến danh mục đầu tư và đối tác. Việc xảy ra các sự cố liên quan đến ESG thông qua các hoạt động cho vay, quan hệ khách hàng… có thể ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh cũng như thương hiệu của ngân hàng. Do đó, cần phải quản lý rủi ro ESG phù hợp để tích hợp vào hệ thống tài chính ngân hàng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro của ngân hàng.
– Mở rộng thị trường và cơ hội kinh doanh, phát triển sản phẩm dịch vụ mới: Các ngân hàng tích hợp ESG vào mô hình kinh doanh sẽ có lợi thế trong việc thấu hiểu và nắm bắt nhu cầu chuyển đổi, đồng thời đảm bảo mối quan hệ kinh doanh bền vững với khách hàng. Điều này có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh, tạo ra các dòng doanh thu mới. Việc áp dụng ESG, ngân hàng cần phải ban hành các sản phẩm, dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, góp phần mở rộng thị trường, tạo cơ hội phát triển hoạt động kinh doanh.
II. NHỮNG SÁNG KIẾN MÔI TRƯỜNG – XÃ HỘI – QUẢN TRỊ TẠI AGRIBANK
Agribank đã cam kết và thực hiện triển khai ESG theo cả 3 trụ cột, môi trường, xã hội và quản trị.
- Với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank cam kết triển khai tiêu chí môi trường đồng bộ trong toàn bộ hoạt động của Agribank, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong h.oạt động cấp tín dụng:
1.1. Agribank tập trung ưu tiên nguồn vốn đối với tín dụng xanh
– Trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Từ năm 2016, Agribank đã bắt đầu triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch” với quy mô vốn tối thiểu 50 nghìn tỷ đồng dành cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại…tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành của NHNN và Agribank.
– Agribank phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) triển khai hỗ trợ tín dụng đối với đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 và Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
– Agribank mở rộng đầu tư cho vay các dự án liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng, Điện gió; Điện mặt trời; cung cấp tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn Đồng bằng Sông Cửu Long và miền Trung Tây Nguyên…
– Với những hoạt động đã và đang triển khai, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm, tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,8% năm 2023 và duy trì đến Quý II/2024. Tính đến 30/6/2024, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 27.816 tỷ đồng, với 42.485 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt 15.330 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh, tiếp đến là lĩnh vực lâm nghiệp bền vững đạt 6.805 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng dư nợ tín dụng xanh; thứ ba là lĩnh vực nông nghiệp xanh với dư nợ 5.540 tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng xanh. Xét về số lượng khách hàng vay vốn, lĩnh vực lâm nghiệp bền vững chiếm tỷ lệ cao nhất với 96% tổng số khách hàng (40.736 khách hàng). Tuy nhiên, các dự án cho vay với giá trị lớn chủ yếu lại thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Biểu đồ 1: Dư nợ tín dụng xanh phân theo lĩnh vực Quý II/2024
1.2. Triển khai quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng
Ngày 23/12/2022, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN về hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD. Để đáp ứng các yêu cầu của Thông tư 17, Agribank đã ban hành Quy định 1289/QyĐ/NHNo-RRTD ngày 31/5/2023 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của Agribank, hiệu lực từ ngày 01/6/2023 (Quy định 1289).
Tóm lại, trong 3 trụ cột của ESG là môi trường, xã hội và quản trị thì Quy định 1289 chính là sự thể hiện rõ nét nhất sự quan tâm của Agribank đến yếu tố “môi trường”, khẳng định rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng cũng là rủi ro tín dụng. Chính sách quản lý rủi ro môi trường là trọng tâm cho quản trị bền vững và là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy Agribank cải thiện các nỗ lực phát triển bền vững của mình ngày hôm nay và trong tương lai.
1.3. Tiên phong triển khai các chương trình bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu
Agribank đã và đang triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực gắn với thông điệp “Vì tương lai xanh” – mục tiêu xuyên suốt từ nhận thức đến hành động của hơn 40.000 người lao động trong toàn hệ thống, có thể kể đến: “Agribank – Một triệu cây xanh, thêm cây thêm sự sống”; xây dựng và thực hiện các dự án bám sát chương trình “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” do Thủ tướng Chính phủ và Liên hợp quốc phát động; các đơn vị trong hệ thống Agribank từng bước sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong các hoạt động chung…
Agribank chủ động tổ chức hoặc sẵn sàng tham gia tài trợ, tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, Hội thảo, làm việc với các tổ chức quốc tế, tổ chức tư vấn quốc tế độc lập, Hiệp hội ngân hàng, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham), cơ quan thông tin, báo chí, tổ chức chính trị, xã hội để tuyên truyền, chia sẻ, học tập kinh nghiệm về ESG, tín dụng xanh…
Bên cạnh đó, Agribank tiếp tục hành động, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Agribank – Ngân hàng xanh, phát triển bền vững. Việc thực thi ESG tại Agribank gắn liền với sự tham gia, đồng hành của toàn thể người lao động, từ những hành động nhỏ nhất như tiết kiệm điện, giấy, nước; nâng cấp, vận hành thí điểm Văn phòng điện tử iOffice (thay thế eOffice) với những tính năng ưu việt, hỗ trợ công tác lưu trữ văn bản của hệ thống cũng nhằm tận dụng tối đa công nghệ trong quy trình vận hành tại Agribank.
1.4. Ứng dụng công nghệ, xây dựng thói quen thân thiện với môi trường
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, tiếp tục chuyển đổi mô hình kinh doanh đa dịch vụ theo định hướng phát triển thành Ngân hàng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng dịch vụ hàng đầu với phương châm lấy khách hàng làm trung tâm, Agribank tăng cường nguồn nhân lực và hệ thống công nghệ để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, mở rộng kênh phân phối, phát triển khách hàng mới mở tài khoản thanh toán, sử dụng dịch vụ. Các dịch vụ tiện ích của Agribank đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu giao dịch tài chính, thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng, phát triển hệ sinh thái số. Ngoài phát triển các dịch vụ thanh toán chuyển tiền truyền thống tại quầy giao dịch, dịch vụ thanh toán qua kênh điện tử được phát triển mạnh mẽ thông qua triển khai các dịch vụ trên Emobile banking, Internet banking. Điều này góp phần hạn chế chứng từ in ấn và tờ khai giấy từ khách hàng, qua đó hạn chế dùng giấy in, mực in… sẽ giảm rất nhiều các khí thải carbon ra ngoài môi trường.
Giảm thiểu sử dụng vật liệu có tác hại với môi trường, tăng cường sử dụng sản phẩm làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường: thay thế hoàn toàn các loại chai nước dùng một lần trong văn phòng làm việc, phòng họp, hội nghị hội thảo… bằng các chai nước thủy tinh, hoặc chai nhựa có thể tái sử dụng; tăng cường sử dụng các loại vật dụng và tăng tỷ trọng các loại tặng phẩm thân thiện với môi trường trong chính sách quà tặng đối với khách hàng.
Agribank phát triển hệ sinh thái số, thanh toán số, thực hiện chuyển đổi số thông qua việc liên tục ra mắt và cải tiến nhiều sản phẩm số, nhằm đơn giản hóa quy trình, nâng cao tiện ích cho khách hàng, cụ thể: Mở tài khoản thanh toán trực tuyến trên các ứng dụng Ngân hàng số (eKYC); tăng cường tiện ích, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử; mở rộng dịch vụ thanh toán thu hộ, chi hộ; ứng dụng mô hình ngân hàng số trong dịch vụ thẻ;thu nợ tự động trên IPCAS, tra cứu thông tin khoản vay và thu nợ trên ứng dụng Agribank Plus, vấn tin xác nhận thư bảo lãnh trên webside Agribank…
1.5. Tổ chức đào tạo về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và tín dụng xanh; Phối hợp với các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, tổ chức tư vấn tổ chức hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về ESG.
– Agribank đã tích cực tổ chức phổ biến, cập nhật kiến thức, đào tạo tăng cường năng lực và nhận thức cho người lao động về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và tín dụng xanh. Tổ chức đào tạo chuyên sâu về ESG cho Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc ESG, đơn vị, cá nhân có liên quan; tập huấn tích hợp về ESG trong hoạt động cấp tín dụng đến người phê duyệt, người cho vay và thẩm định khoản vay trong hệ thống Agribank; giới thiệu đến toàn thể người lao động về tổng quan ESG trong hoạt động ngân hàng và tại Agribank.
– Agribank đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế trong và ngoài nước triển khai hoạt động đào tạo về quản trị rủi ro MTXH trong hoạt động ngân hàng. Tổ chức đào tạo tăng cường năng lực và nhận thức cho người lao động về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và tín dụng xanh; phối hợp với các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, đơn vị tư vấn để triển khai ESG; tích cực đã tham gia một số hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước về tín dụng xanh, ESG do KFW, ADB, Hiệp hội ngân hàng và một số ngân hàng nước ngoài tổ chức.
– Agribank được các nhà tài trợ quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB)…đánh giá cao trong việc thực hiện giải ngân cho vay, phục vụ các Dự án ODA. Agribank đã tiếp cận thành công và tham gia nhiều Dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường với tổng nguồn vốn gần 6.500 tỷ đồng; 03 Hợp đồng tài trợ của EIB (các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng); 02 Dự án trong lĩnh vực phát triển khí sinh học, hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp do ADB tài trợ… ;
2. Áp dụng các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn xã hội
2.1. Tích cực triển khai tài chính toàn diện, cung ứng hoạt động ngân hàng đến vùng sâu, vùng xa:
– Tích cực triển khai nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn với 07 Chương trình tín dụng chính sách, trong đó có 02 Chương trình mục tiêu quốc gia giúp cho người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận dễ dàng hơn nguồn tài chính cần thiết với chi phí hợp lý, nâng cao đời sống và phát triển kinh doanh;
– Chủ động xây dựng và triển khai một số chương trình tín dụng ưu đãi phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng;
– Ban hành chính sách miễn, giảm phí chuyển tiền trong nước, phí phát hành thẻ, miễn phí thường niên, phí quản lý tài khoản năm đầu tiên; triển khai nhiều chương trình khuyến mãi dành cho các khách hàng sử dụng dịch vụ thông qua việc phối hợp với các cửa hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị đối với khách hàng thực hiện thanh toán trên ứng dụng Agribank Plus nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt;
– Tiếp tục đẩy mạnh kết nối thanh toán với các Ví điện tử có uy tín trên thị trường; điều chỉnh, mở rộng phạm vi thanh toán với các Ví điện tử đang kết nối (đến nay Agribank đã kết nối thanh toán với 17 ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép);
– Triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng. Các điểm giao dịch lưu động thực hiện các nghiệp vụ: huy động tiết kiệm, giải ngân, thu nợ, chi trả kiều hối, mở tài khoản, phát hành thẻ, thu ngân sách nhà nước, dịch vụ bảo hiểm…;
– Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… để triển khai cho vay qua tổ nhóm; Chủ động phổ biến chiến lược tài chính toàn diện quốc gia tới người lao động trong toàn hệ thống để chuyển tải tới khách hàng, lồng ghép vào các chương trình hành động, kế hoạch truyền thông chung của Agribank;
2.2. Tích cực triển khai hoạt động an sinh xã hội và hỗ trợ cộng đồng
– Tiên phong thể hiện trách nhiệm của ngân hàng thương mại Nhà nước nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN, tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Từ năm 2023 đến Quý II/2024, Agribank đã thực hiện 07 lần giảm sàn lãi suất cho vay (04 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất trong năm 2023, 03 lần điều chỉnh giảm trong năm 2024). Đến ngày 30/6/2024, Agribank thực hiện 34 chương trình ưu đãi tín dụng với mức lãi suất cho vay ngắn hạn từ 2,5%/năm và trung dài hạn từ 5,5%/năm, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1,5%-3,0%/năm. Tổng dư nợ các chương trình ưu đãi tín dụng đạt trên 300.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ toàn hệ thống.
– Ngay sau cơn bão số 3 (bão Yagi), Agribank đã có nhiều hành động tích cực và kịp thời rà soát các khoản thiệt hại, cơ cấu lại nợ, giảm tới 2%/năm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, đối với dư nợ hiện hữu (bao gồm VND và USD) tại thời điểm 06/9/2024, căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng, Agribank giảm từ 0,5% đến 2%/năm lãi suất cho vay và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ 06/9 – 31/12/2024. Bên cạnh đó, để hỗ trợ khách hàng có điều kiện ồn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đối với khoản vay mới phát sinh từ ngày 06/9 đến 31/12/2024, Agribank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay theo từng đối tượng, lĩnh vực, áp dụng trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân. Agribank đã tổ chức các đoàn công tác nắm bắt tình hình thiệt hại, chia sẻ khó khăn và có chính sách hỗ trợ phù hợp, 100% người lao động của Agribank dành ngay 1 ngày lương để chung tay hỗ trợ bão lũ và rất nhiều các hoạt động ý nghĩa, chung tay cùng các địa phương và người dân vượt qua khó khăn.
– Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank rất quan tâm đến công tác hỗ trợ an sinh xã hội, dành hằng trăm tỷ đồng mỗi năm với nhiều dự án, chương trình tài trợ tổng thể và dài hạn trên khắp cả nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Agribank triển khai Giải chạy vì cộng đồng mang thông điệp “Vì tương lai xanh”; Agribank đã trao gần 50 căn nhà tình nghĩa, 850 suất học bổng tại các tỉnh nghèo trên cả nước, 02 nhà nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục cho trẻ em tại trường Mầm non, tài trợ trang thiết bị y tế và hỗ trợ bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại 27 huyện, xã nghèo trên cả nước, tặng hơn 3000 sổ BHXH, BHYT cho người nghèo tại các địa phương, tặng quà Tết cho đồng bào nghèo, trồng cây xanh, xây dựng nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương, trường học
2.2. Chú trọng nâng cao thu nhập và phúc lợi xã hội đối với người lao động.
– Việc chi trả lương cho người lao động tại Agribank thực hiện tuân thủ theo Quyết định 306/QĐ-HĐTV-TCTL ngày 15/06/2016 và quyết định số 703/QĐ-HĐTV-TCTL ngày 31/07/2017 của Hội đồng thành viên. Đối với lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Trụ sở chính được thực hiện chi trả lương theo quy định tại Quy chế số 559/QC-HĐTV-TCNS ngày 8/9/2022 của HĐTV. Tại Agribank việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động được thể hiện qua quy chế, cơ chế, quy định nội bộ về chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ đối với người lao động.
– Thực hiện phúc lợi cơ bản đối với người lao động: Bên cạnh các khoản lương và phụ cấp, trong những năm qua người lao động tại Agribank được quan tâm đầy đủ các mặt từ đời sống vật chất và tinh thần, việc làm, điều kiện, phương tiện làm việc, thu nhập, quyền lợi về nghỉ ngơi, chế độ khen thưởng cũng như khuyến khích học tập, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, giúp cho người lao động tin tưởng, yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Agribank.
– Bảo đảm điều kiện làm việc của người lao động: Agribank đã cố gắng thực hiện các quy định của pháp luật, bảo đảm điều kiện làm việc về ánh sáng, thông gió, vệ sinh …
– Bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động: Hoạt động của tổ chức Công đoàn phát triển mạnh mẽ tại Agribank. Công đoàn các cấp tích cực tham gia quản lý và chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, đặc biệt là quá trình xây dựng các chính sách, chế độ liên quan tới việc làm, tiền lương, thu nhập, các chế độ bảo hiểm, giám sát thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thỏa ước lao động tập thể và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
2.4. Tăng cường vai trò của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo
Đồng hành cùng chặng đường 36 năm xây dựng và phát triển của Agribank, với tỷ lệ chiếm khoảng 54% trong tổng số lao động toàn hệ thống, 1073 cán bộ nữ lãnh đạo quản lý, 05 nữ lãnh đạo cấp cao nhất. Lực lượng lao động nữ Agribank luôn hiện diện và đóng góp tích cực trong mọi mặt hoạt động của Ngân hàng. Thành lập Ban chỉ đạo vì sự phát triển phụ nữ và triển khai hoạt động trong phạm vi toàn hệ thống; Agribank đã ban hành đầy đủ các văn bản đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ.
3. Áp dụng các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp
3.1. Xây dựng cơ cấu quản trị ESG
Tại Agribank hiện nay, rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng được xem xét là rủi ro tín dụng. Theo Quy định 1289, Trung tâm quản lý rủi ro tín dụng đầu mối tổng hợp báo cáo nội bộ về quản lý rủi ro môi trường để báo cáo Tổng Giám đốc qua Hội đồng rủi ro.
Hiện nay, Agribank chưa xây dựng bộ máy, bộ phận chuyên trách quản trị ESG. Tuy nhiên, tháng 7/2023, Chủ tịch HĐTV đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai ESG tại Agribank và thường xuyên rà soát, bổ sung nhân sự Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc kịp thời. Trong đó, Trưởng ban Chỉ đạo là 01 Thành viên HĐTV, Phó trưởng ban Chỉ đạo thường trực là Phó Tổng giám đốc và Phó Chỉ đạo, thành viên là lãnh đạo các đơn vị liên quan tại Trụ sở chính.
3.2. Công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình: Agribank đảm bảo tính công khai minh bạch và giải trình báo cáo tài chính qua một số phương diện như sau:
Xây dựng cơ chế và các kênh trao đổi thông tin và thu thập thông tin nội bộ giữa các bộ phận; Liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính, thông tin về các nội dung quan trọng (mục tiêu, chiến lược, chính sách, quy trình), được trao đổi thống nhất giữa các cấp, các cá nhân, bộ phận có trách nhiệm triển khai, thực hiện hoạt động kiểm toán nội bộ, cụ thể:
Văn bản định chế, văn bản hướng dẫn: Agribank ban hành các quy chế về tổ chức và hoạt động của các đơn vị, trong đó xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức cho từng phòng, ban, đơn vị trực thuộc và văn bản hướng dẫn hạch toán, quyết toán hàng năm đảm bảo tính nhất quán trong hạch toán, kế toán với các nghiệp vụ và các bộ phận. Mục tiêu công tác báo cáo tài chính được thể hiện trong Hướng dẫn quyết toán hàng năm, trong đó xác định công tác báo cáo tài chính đảm bảo chế độ hạch toán kế toán, thống kê theo chế độ quản lý của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu an toàn tài sản, báo cáo tài chính được lập kịp thời, đầy đủ thông tin.
Xây dựng, phê duyệt báo cáo tài chính: người đứng đầu các bộ phận chịu trách nhiệm phổ biến, trao đổi thông tin đến từng nhân viên chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động kiểm soát nội bộ liên quan tới báo cáo tài chính; HĐTV, Tổng Giám đốc phê duyệt công bố thông tin báo cáo tài chính và các thuyết minh, giải trình có liên quan trong các hình thức trình bày được phát hành ra công chúng và nộp cho cơ quan quản lý nhà nước.
Agribank có cơ chế báo cáo hành vi sai phạm thông qua các hình thức trực tiếp bằng văn bản, đường dây nóng, kênh 24/7, hộp thư điện tử bảo mật, các báo cáo của các phòng/ban chức năng tại Trụ sở chính độc lập, kịp thời cho các cấp có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật, quy định nội bộ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của các cá nhân, bộ phận và người cung cấp thông tin được bảo đảm bảo mật thông tin, được bảo vệ.
Một số kênh thông tin Agribank lựa chọn để trao đổi thông tin với các đối tác bên ngoài như sau: Website của Agribank; Báo cáo quản trị định kỳ; Báo cáo thống kê định kỳ và bất thường theo yêu cầu của NHNN và các cơ quan có thẩm quyền khác; Báo cáo tài chính quý/năm của Ngân hàng; Báo cáo thường niên hằng năm; các cuộc họp với kiểm toán độc lập định kỳ hàng năm.
3.3. Thực hiện quản trị rủi ro toàn diện, ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách về nhận diện, đánh giá rủi ro, thiết lập hệ thống cảnh báo rủi ro an toàn, hiệu quả; sắp xếp bộ máy hoạt động và bố trí nhân sự bảo đảm tách bạch giữa ba tuyến phòng vệ.
Agribank đã ban hành Quy chế số 1205/QC-HĐTV-RRTD ngày 29/12/2023 về Quản lý rủi ro tuân thủ theo Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/05/2018 của NHNN về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của cá nhân, bộ phận liên quan trong công tác quản trị rủi ro được cụ thể hóa như sau:
Nhìn chung, Agribank đã chủ động tổ chức triển khai thực hành ESG tuân thủ theo quy định pháp luật Việt Nam và NHNN, chủ động cam kết và từng bước triển khai ESG, tích cực triển khai các hoạt động xã hội, vì cộng đồng, quản trị rủi ro và thực hiện tài chính toàn diện. Tuy nhiên, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu, có thể sử dụng nhiều nước, phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất, vùng đất có nguồn gốc phá rừng…với số lượng khách hàng lớn, khung pháp lý về triển khai ESG chưa cụ thể, một số chỉ tiêu không bắt buộc phải tuân thủ nên việc triển khai ESG của Agribank cũng gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định. Nhờ có nhiều sáng kiến trong triển khai ESG, Agribank được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã chấm điểm tín dụng ESG (CIS) của Agribank năm 2023 đạt kết quả ở mức CIS 2, mức cao nhất trong các NHTM tại Việt Nam.
III. GIẢI PHÁP GIÚP TRIỂN KHAI THÀNH CÔNG NHỮNG SÁNG KIẾN ESG TẠI AGRIBANK
Để triển khai ESG đồng bộ, hiệu quả, hạn chế được khó khăn, vướng mắc, Agribank đã và đang triển khai các giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cơ cấu tổ chức để triển khai ngân hàng xanh hiệu quả: Triển khai áp dụng ESG toàn diện và hiệu quả trong hệ thống Agribank, bao gồm: Xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững; Xây dựng bộ chính sách ESG (Chính sách phát triển bền vững; Khung tài chính xanh và khung tài chính xã hội, công bố thông tin về cam kết triển khai ESG…); Hoàn thiện mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan, thành lập bộ phận chuyên trách về phát triển bền vững.
Hai là, triển khai các hoạt động về tín dụng xanh, hướng tới chuẩn mực quốc tế: Xây dựng và công khai thông tin cam kết danh sách các ngành nghề Agribank không cấp hoặc hạn chế cấp tín dụng; triển khai đồng bộ quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu để triển khai trong toàn hệ thống Agribank; tiếp tục ưu tiên cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, phát triển tài chính toàn diện, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, tiếp tục duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 65-70% /tổng dư nợ và mô hình ngân hàng lưu động, cho vay qua tổ vay vốn.
Ba là, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ ngân hàng xanh: Xây dựng và thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội một cách toàn diện; trong đó xây dựng bổ sung hướng dẫn nội bộ về quản lý rủi ro xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; thu thập thông tin chính xác, đầy đủ của mỗi người lao động của Agribank trong thực hiện chính sách phát triển bền vững; đánh giá được chỉ số tiết kiệm năng lượng điện, nước, giấy…
Bốn là, phát triển các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững: Nghiên cứu và triển khai các sản phẩm ngân hàng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường… phù hợp với định hướng kinh doanh, phân khúc khách hàng, thị trường mục tiêu cũng như năng lực, thế mạnh của Agribank; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh; tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại, tiện ích dựa trên ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần “xanh hóa” ngành ngân hàng, xây dựng thói quen thân thiện với môi trường.
Năm là, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế: cập nhật các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp thu kinh nghiệm thế giới về tiêu chuẩn, điều kiện ngân hàng xanh nhằm hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế nội bộ; chủ động và áp dụng các điều kiện để phát hành trái phiếu xanh và thu hút nguồn vốn quốc tế xanh…để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh; cập nhật các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sáu là, hoàn thiện các tiêu chí về xã hội của Agribank: Tiếp tục thực hiện đầy đủ chính sách hợp pháp, công bằng đối với người lao động; tiếp tục vận động, truyền truyền người lao động của Agribank tham gia các hoạt động cộng đồng, hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Bảy là, thường xuyên thực hiện tuyên truyền và đào tạo sâu, rộng trong nội bộ và đến khách hàng Agribank về phát triển bền vững: Tổ chức tuyên truyền, đào tạo và tăng cường nhận thức cho người lao động Agribank về ngân hàng xanh, hiểu được tầm quan trọng về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; tổ chức tuyên truyền sự kiện cho khách hàng hiểu hơn về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng xanh; giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc không gây tác động xấu đến môi trường; thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản và sử dụng công cụ, dụng cụ hướng đến ngân hàng xanh.
Tám là, xây dựng báo cáo độc lập về phát triển bền vững, ESG và kiểm toán báo cáo ESG: Thuê tổ chức tư vấn hướng dẫn Agribank xây dựng hệ thống các chính sách về ESG, báo cáo ESG và thực hiện kiểm toán báo cáo ESG để công khai thông tin theo chuẩn mực quốc tế.
V. KIẾN NGHỊ
Để triển khai hiệu quả những sáng kiến ESG tại Agribank và chiến lược ngân hàng xanh của Agribank có thể thực thi, Agribank mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan ban ngành sớm xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành bộ tiêu chí môi trường và các tiêu chí xác định đối với các dự án được cấp tín dụng xanh để các TCTD có cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong việc xác định các dự án, hạng mục dự án đáp ứng điều kiện tín dụng xanh;
Thứ hai, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính có các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường carbon như: xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon, đẩy nhanh vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam;
Thứ ba, Chính phủ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về sự cần thiết phát triển bền vững, ngân hàng xanh, lĩnh vực đáp ứng tiêu chí tín dụng xanh khuyến khích lối sống, tiêu dùng xanh hài hòa với thiên nhiên, gắn với các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam; hỗ trợ các NHTM tiếp cận được nhiều hơn các quỹ tài chính, nguồn vốn xanh về hỗ trợ kỹ thuật hoặc cho vay ưu đãi của các Tổ chức trên Thế giới
Bốn là, xây dựng và hình thành hệ thống dữ liệu về tình hình tuân thủ, vi phạm yêu cầu về môi trường của doanh nghiệp, tạo cơ sở cho các NHTM trong việc thẩm định, xác định mức độ rủi ro môi trường khi đánh giá khách hàng vay, từ đó không cấp hoặc hạn chế tín dụng mới đối với những dự án tác động xấu đến môi trường.
Năm là, Chính phủ, các bộ, ngành và NHNN ban hành, hướng dẫn, tuyên truyền khung pháp lý cụ thể và rõ ràng hơn về tiêu chí xã hội và quản trị đối với doanh nghiệp và NHTM, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng xu hướng hội nhập của nền kinh tế, quốc tế; có chính sách ưu đãi về thuế, phí, cơ chế bảo hiểm, lãi suất, dự trữ bắt buộc đối với doanh nghiệp, NHTM chủ động triển khai thực thi ESG hiệu quả, được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá cao.
Tác giả : Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Trường đào tạo cán bộ, Phó trưởng ban chỉ đạo ESG Agribank
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020;
- Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
- Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/07/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030;
- Quyết định số 1731/QĐ-NHNN ngày 31/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu;
- Tài liệu hội thảo tín dụng xanh, Việt Nam không thể chậm chận với Net Zezo do Báo Lao động tổ chức;
- Báo cáo thường niên, báo cáo tài chính, báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh của Agribank năm 2022, 2023
- Moody’s Investors Service, 2022, Banks: ESG Issuer Profile Scores and Credit Impact Scores Distribution
- IFC, 2012, Tiêu chuẩn Hoạt động Môi trường và Xã hội.
- Liên hợp quốc Việt Nam,2023, Các mục tiêu phát triển bền vững, https://vietnam.un.org/vi/sdgs, truy cập ngày 16/10/2023
- Ths. Phạm Đức Ấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Agribank, Tích hợp tiêu chuẩn quản trị, Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong chiến lược Agribank, góp phần phát triển kinh tế xanh;
- OCBC, 2020, OCBC Bank sets new sustainable finance target of $25 billion by 2025, https://www.ocbc.com/group/media/release/2020/ocbc-sets-new-sustainable-finance-target-of-25b-by-2025.page, truy cập ngày 16/10/2023.