Thông Cáo Báo Chí : Hội thảo chuyên đề về Tín Dụng Xanh Cho Doanh Nghiệp – Khung, Công Cụ, Giải Pháp

Hội thảo chuyên đề về Tín Dụng Xanh đã diễn ra thành công vào ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại KCN Long Hậu, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đầu ngành từ 100+ công ty tham dự. .

Hội thảo đã khởi đầu bằng chủ đề đầu tiên tập trung vào việc thực hiện Khung Quản Lý Môi Trường và Xã Hội (ESMS) trong sáu ngành công nghiệp chính: Chăn Nuôi, Trồng Trọt, Xây Dựng, Sản Xuất Vật Liệu Kim Loại, Thực Phẩm & Đồ Uống, và Dệt May. Ông Nguyễn Đình Quyền, Chuyên Gia Cao Cấp của ESG Education & Business, đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu và các bước cụ thể để tích hợp ESMS vào hoạt động kinh doanh. Ông nhấn mạnh rằng việc nâng cao hiệu quả quản lý môi trường và xã hội không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Trong bài tham luận của mình, ông Nguyễn Đình Quyền đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh của công ty. Việc này bao gồm phát triển và triển khai hệ thống quản lý Môi trường và Xã hội (ESMS) để đánh giá và quản lý rủi ro ESG một cách toàn diện, bao gồm các rủi ro và tác động của biến đổi khí hậu. Ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp đặt ra các mục tiêu và KPI liên quan đến tính bền vững, đồng thời tác động đến khách hàng để họ cũng thực hiện theo các mục tiêu và KPI này.

Ngoài ra, ông còn đề xuất thúc đẩy tín dụng và ngân hàng xanh/bền vững để tạo ra tác động tích cực trong hoạt động cho vay của doanh nghiệp. Việc triển khai tài chính toàn diện sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn cho các lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, v.v. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút thêm nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế cho thị trường trong nước, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án bền vững và phát triển kinh tế xanh.

Phiên tham luận 2 của hội thảo được trình bày bởi bà Trương Bội Ân, đại sứ ESG của CRIF tại Việt Nam, xoay quanh chủ đề về chứng nhận ESG Synesgy có giá trị toàn cầu. Chứng nhận này được áp dụng tại hơn 90 quốc gia, với hơn 25 ngôn ngữ, thu hút sự tham gia của hơn 500,000 công ty và được công nhận bởi 1700 ngân hàng và tổ chức tài chính.

Ngày 28 tháng 3 năm 2024, CRIF và ESG Education & Business, cùng với Liên minh ESG & Phát triển bền vững đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Thỏa thuận này nhằm thực hiện đánh giá ESG Synesgy cho các doanh nghiệp, ngân hàng, và bảo hiểm, nhằm đo lường cam kết chuyển đổi bền vững dựa trên các tiêu chuẩn và khuôn khổ bền vững quốc gia và quốc tế như SDGs và GRI. Phương pháp của Synesgy tuân theo các tiêu chuẩn bền vững quốc tế được chấp nhận chung như Global Reporting Initiative (GRI) và Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), được phát triển bởi CRIF Ratings – một Cơ quan Xếp hạng Tín dụng hoạt động dưới sự giám sát của ESMA.

Bà Trương Bội Ân đã trình bày chi tiết về cách thức chứng nhận ESG Synesgy giúp các doanh nghiệp không chỉ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế mà còn nâng cao uy tín và hình ảnh của mình trên thị trường toàn cầu. Bằng cách áp dụng ESG Synesgy, các doanh nghiệp có thể cải thiện quản trị rủi ro, tăng cường hiệu quả hoạt động và mở rộng cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế. Đồng thời, việc tham gia vào hệ thống chứng nhận này cũng giúp các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn tín dụng xanh, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Phiên tham luận này đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ các đại biểu tham dự, đặc biệt là những doanh nghiệp đang hướng tới phát triển bền vững và mong muốn nâng cao hiệu quả quản lý môi trường, xã hội và quản trị. Chứng nhận ESG Synesgy không chỉ là công cụ đánh giá mà còn là nền tảng giúp các doanh nghiệp khẳng định cam kết của mình đối với phát triển bền vững, góp phần tạo dựng một hệ sinh thái kinh doanh bền vững và hiệu quả tại Việt Nam.

Phiên thảo luận thứ ba của hội thảo đã tập trung vào các giải pháp tài chính xanh dành cho doanh nghiệp, bao gồm tín dụng xanh, trái phiếu xanh, tiền gửi xanh. Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Cao Minh – Phó Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp BIDV – cho biết: “Ngành ngân hàng là “huyết mạch” của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường. Xác định vai trò quan trọng của tài chính xanh cho doanh nghiệp, BIDV đã tiên phong xây dựng chiến lược và thực hành ESG, triển khai các giải pháp tài chính và phi tài chính toàn diện, tập trung đầu tư cho các dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện mục tiêu “Net-zero” vào năm 2050 của Quốc gia”.

BIDV hiện đã ban hành 03 khung tài chính xanh bao gồm: Khung quản lý rủi ro môi trường và xã hội (ESMS) trong hoạt động tài trợ thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế; Khung khoản vay bền vững; Khung trái phiếu xanh. Qua đó, BIDV thiết lập các nền tảng cơ sở cho hoạt động cấp tín dụng, huy động vốn và quản lý rủi ro trong hoạt động tài chính bền vững tại Ngân hàng, đảm bảo tuân thủ các quy định, chuẩn mực quốc tế và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển bền vững, nâng cao hình ảnh thương hiệu trước cổ đông và đối tác.

Với cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững, BIDV đã tích cực đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình tín dụng xanh ưu đãi từ nguồn vốn thương mại, đặc biệt là từ phát hành trái phiếu xanh, huy động tiền gửi xanh dành cho các lĩnh vực như năng lượng tái tạo; năng lượng sạch; các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai sản phẩm Khoản vay xanh cho doanh nghiệp dệt may theo khung khoản vay bền vững; chính sách ưu đãi cho vay trung dài hạn dự án công trình xanh, tài trợ thương mại xanh…

BIDV luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các khách hàng có thể tiếp cận với các sản phẩm, nguồn vốn tài chính bền vững; sẵn sàng cung cấp thông tin hỗ trợ và dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp giúp doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và tiềm năng của việc chuyển dịch hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững.

Phiên thảo luận chung, điểm nhấn của hội thảo, là nơi các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp cùng thảo luận về các vấn đề vướng mắc, lộ trình và giải pháp ngắn và dài hạn trong tín dụng xanh như tín chỉ carbon, các dự án giảm pháp, quá trình thực hiện ESMS cho các dự án hạ tầng xanh…. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đặt câu hỏi, chia sẻ những khó khăn thực tế và cùng nhau tìm ra các giải pháp tối ưu. Những đề xuất cụ thể cho lộ trình phát triển bền vững, bao gồm các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, đã được trình bày, giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển bền vững toàn diện từ việc vay vốn, đầu tư cho đến phát hành trái phiếu xanh.

Hội thảo đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích và cơ hội thực tiễn cho các doanh nghiệp tham gia, giúp họ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của tín dụng xanh và quản lý môi trường xã hội, đồng thời tận dụng các cơ hội tài chính xanh để phát triển bền vững.

Subscribe to our newsletter!

TIN TỨC ESG